fbpx

Nghệ thuật dân gian Việt Nam: tranh dân gian

Tranh dân gian Hàng Trống: Cá Chép - được vẽ lại bởi nghệ sĩ trẻ Xuân Lam
Tranh Hàng Trống: Cá Chép – được vẽ lại bởi nghệ sĩ trẻ Xuân Lam

Ngay sau khi tôi blog về những tìm hiểu của tôi về nghệ thuật đương đại Việt Nam trên blog tiếng Anh của Đất Sét (và cũng có bài dịch/tương đồng về nội dung trên blog tiếng Việt), thì lần gần đây nhất về Việt Nam vào tháng Mười, tôi tình cờ và may mắn được một người bạn giới thiệu với anh Hà Mạnh Thắng. Anh Thắng là một nghệ sĩ đương đại Việt Nam nổi tiếng – một người có nhiều triển lãm trong nước và quốc tế. Mặc dù chỉ kịp nói chuyện trong vòng 20-30 phút, anh Thắng đã cho tôi những lời khuyên cực kỳ có ích về việc tôi nên tiếp cận với “thị trường” và nền nghệ thuật đương đại Việt Nam như thế nào.  Cũng trong cuộc nói chuyện này, tôi có kể với anh Thắng về một vài ý tưởng của mình, cũng như cho anh xem những “tác phẩm” mới nhất của tôi.

Tôi nhận ra rằng chia sẻ với người khác về sản phẩm, công việc của mình là một cơ hội để tôi suy nghĩ sâu hơn về nguồn cảm hứng cốt lõi của mình. Và sau lần gặp gỡ với anh Thắng, tôi quyết định thực hiện “nghiên cứu” tiếp theo về nghệ thuật Việt Nam. Lần này tôi muốn tìm hiểu về nghệ thuật dân gian Việt Nam – một mảng có lẽ rơi vào thái cực đối lập với nghệ thuật đương đại.

Khi tôi dùng từ khoá “Nghệ thuật dân gian Việt Nam”, kết quả tìm kiếm khiến tôi tương đối bất ngờ. Hai mảng nổi bật nhất đại diện cho “nghệ thuật dân gian Việt Nam” là hát dân gian, và nghệ thuật dân gian trực quan. (visual Vietnamese folk arts). Tôi quyết định đào sâu thêm về mảng nghệ thuật dân gian trực quan; và trong mảng này tranh dân gian là thành phần được nhắc tới nhiều nhất. Sau đây là những điều tôi rút ra được từ “nghiên cứu” của mình:

Chủ đề: có bốn chủ đề chính trong tranh dân gian: tranh thờ là những tranh được sử dụng trong đền, chùa, trong nhà với mục đích thờ, cầu nguyện cho những điều may mắn và được bảo vệ khỏi những điều không vui. Tranh chúc tụng được dùng nhiều trong các dịp lễ tết. Tranh về cuộc sống hàng ngày tái hiện các hoạt động hàng ngày của người dân ở làng quê Việt Nam. Tranh về lịch sử mô phỏng những sự kiện lịch sử của dân tộc, hoặc ảnh trong truyện cổ tích, dân gian Việt Nam.

Nội dung: mỗi một bức tranh dân gian hàm chứa một nội dung riêng về con người và cuộc sống. Tranh dân gian cũng thể hiện ước mơ, khát vọng, hi vọng và mong muốn cho những điều đơn giản, hay cho một cuộc sống sung túc hơn. Ví dụ như bức tranh Đàn Lợn thể hiện mong muốn của người nông dân về một cuộc sống đầy đủ, trong khi bức tranh Gà Trống tượng trưng cho sự dũng cảm, kiên cường và năm tính chất của người anh hùng: vẻ đẹp bên ngoài, sức mạnh tinh thần, thể lực, lòng tốt, và sự ổn định.

Tranh dân gian Đông Hồ: Đàn Lợn

 Cách in: Vì tranh dân gian được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của người dân, chi phí cho việc in ấn phải nằm ở một mức hợp lý để đại bộ phận người dân đều có thể mua dc tranh. Cách in phổ biến nhất là dùng khuôn, với những đường nết chính được khắc vào bản khuôn gỗ. Khi tranh đã được in ra, người nghệ sĩ có thể tiếp tục vẽ thêm các chi tiết lên tranh cho đến khi kết thúc. Người dân tộc Tày, Nùng, Dao thường vẽ tay 100% những bức tranh dân gian của họ.

Màu sắc: màu sắc trong tranh dan gian thường được làm từ nguyên liệu tự nhiên: than được dùng làm màu đen, rỉ đồng cho màu xanh, hoa hoè cho màu đỏ và vàng, bột vò sò cho màu ánh kim, v. v.

Bố cục: Tranh dân gian Việt Nam đề cao tính sinh động hơn độ giống thật. Bố cục trong tranh dân gian thường ko thuân theo những nguyên tắc về vẽ tranh như ta thường thấy ở xã hội hiện đại. Bố cục tranh dân gian thường làm cho người xem cảm thấy dễ nhìn hơn, và giúp cho tranh co thể dược nhìn và hiều ở bất cứ góc độ nào.

Dòng tranh: những dòng tranh quen thuộc trong quá khứ và cho đến thời điểm hiện tại là những dòng tranh được bảo tồn, duy trì bao gồm: tranh Đồng Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh làng Sinh, v.v.

Những tìm hiểu ban đầu trên đây làm tôi cảm thấy rất hào hứng. Nghệ thuật dân gian Việt Nam, đặc biệt là mảng trực quan, trên thực tế là một khái niệm không quá rộng như tôi nghĩ. Đây vẫn là một chủ đề rất lớn, nhưng ít nhất nó không làm tôi cảm thấy “choáng”, hay nản khi nghĩ đến việc tìm hiểu thêm. Và hơn hết tôi cảm thấy hứng thú khi nghĩ đến những cơ hội, khả năng kết hợp những chi tiết từ nghệ thuật dân gian Việt nam vào những dự án gốm của mình.

3 Trả lời “Nghệ thuật dân gian Việt Nam: tranh dân gian”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *